Công ước năm 1992 về Đa dạng sinh học

Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học 04/06/2019

Đây là công ước toàn cầu về đa dạng sinh học đã được thông qua tại Nairobi ngày 22/05/1992, với 196 thành viên. Công ước được thoả thuận vào ngày 05/06/1992 tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro vào năm 1992 và có hiệu lực vào ngày 29/12/1993. Đến nay đã được 183 nước phê chuẩn, trong đó có Việt Nam. Việt Nam chính thức gia nhập vào ngày 16/11/1994. Cơ quan đầu mối thực hiện là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Công ước Đa dạng sinh học được thông qua tại Hội nghị Rio năm 1992 để giải quyết mối đe dọa đối với các loài động thực vật và các hệ sinh thái. Công ước là một bước tiến trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành tố đa dạng sinh học và chia sẻ công bằng và hợp lý những lợi ích từ việc sử dụng các nguồn gen. Từ năm 2016, những mục tiêu mà Công ước mong muốn đạt được là (1) phối hợp hiệu quả hơn giữa các thành viên, Ban Thư ký và các đối tác chính và (2) tham gia các lĩnh vực khác và lồng ghép các mục tiêu đa dạng sinh học vào trong các chính sách và lĩnh vực khác.

Công ước quy định những vấn đề gì?             

Mục đích                                                                                     

Theo Điều 1, các mục tiêu của Công ước bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành tố đa dạng sinh học, chia sẻ công bằng và hợp lý những lợi ích có được từ việc sử dụng các nguồn gen. Điều này hàm ý khả năng tiếp cận hợp lý các nguồn gen, chuyển giao thích hợp các công nghệ có liên quan và cân nhắc tất cả các quyền đối với nguồn gen, công nghệ và các nguồn tài trợ thích hợp.

Nội dung

Văn bản Công ước có thể chia thành các nhóm điều khoản quy định về bối cảnh để hiểu Công ước, các điều khoản quy định về cam kết của các thành viên, các điều khoản thiết lập các thể chế và các điều khoản quy định các thủ tục đảm bảo tuân thủ (xem Bảng dưới đây). Các cam kết chính liên quan tới việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và được cụ thể hoá trong các quyết định được Hội nghị các Bên thông qua.

Các nguyên tắc

Lời nói đầu và Điều 3 của Công ước Đa dạng sinh học đề ra các nguyên tắc hướng dẫn thực thi Công ước. Những nguyên tắc này được thông qua đồng thời và phù hợp với những nguyên tắc đã được ghi trong Tuyên bố Rio năm 1992 về Môi trường và Phát triển.
Thể chế

Công ước được điều hành bởi Ban Thư ký đặt tại Montreal do UNEP cung cấp. Ban Thư ký là một cơ quan thường trực, trợ giúp hành chính cho các Bên tham gia Công ước, chuẩn bị cho các kỳ họp Hội nghị các Bên và hoàn thành các nhiệm vụ do Công ước và Hội nghị các Bên giao phó. Công ước thiết lập một hệ thống các trung tâm thông tin quốc gia kết nối với hệ thống thông tin toàn cầu (clearing-house) để đảm bảo tất cả các Bên tham gia Công ước đều tiếp cận được thông tin. Cơ quan ra quyết định tối cao là Hội nghị các Bên.

Hội nghị các Bên cũng lập ra các Nhóm làm việc để xử lý các vấn đề cụ thể phát sinh. Các Nhóm làm việc hiện nay bao gồm Nhóm làm việc về tiếp cận và chia sẻ lợi ích (ABS), Nhóm làm việc về Điều 8 (j) của Công ước Đa dạng sinh học và Nhóm làm việc về các Khu vực được bảo vệ.

Tuân thủ

Việc tuân thủ các cam kết của Công ước đa dạng sinh học chủ yếu dựa vào nghĩa vụ báo cáo, thông tin thường xuyên về các biện pháp thực thi và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Công ước Đa dạng sinh học liệt kê những cam kết khác nhau nhằm thực thi các biện pháp bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học một cách bền vững. Những cam kết này là bắt buộc đối với tất cả các thành viên của Công ước, nhưng các thành viên đang phát triển có thể được áp dụng linh hoạt trong một số lĩnh vực. Thêm vào đó, tất cả các nước thành viên bắt buộc phải báo cáo về các biện pháp thực thi và hiệu quả của các biện pháp này. Để đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, các Bên tham gia phải cam kết trao đổi thông tin và hợp tác, đặc biệt ở mức độ khoa học, kỹ thuật (Cơ chế trao đổi thông tin).

Việt Nam cần tuân thủ những nghĩa vụ gì?                                                                                       

Các cơ chế tạo thuận lợi cho việc thực thi

Điều 20 của Công ước Đa dạng sinh học quy định các thành viên Công ước sẽ cung cấp tài chính và khuyến khích các dự án quốc gia thực hiện các mục tiêu của Công ước. Các thành viên phát triển cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tài chính cho các thành viên đang phát triển để tạo điều kiện cho các nước này thực hiện Công ước. Các nước phát triển có thể cung cấp tài chính thông qua các kênh khu vực, song phương và đa phương. Điều 21 quy định về cơ chế cung cấp tài chính trên cơ sở tài trợ hoặc chuyển nhượng nhằm giúp đỡ các thành viên đang phát triển.

Các điều 13, 14, 17 và 18 của Công ước liệt kê các cam kết thúc đẩy và hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo; giáo dục và nhận thức công chúng; trao đổi thông tin và tiếp cận hợp tác khoa học và kỹ thuật.

Các mục tiêu đa dạng sinh học Aichi

Trong năm 2010, và với nỗ lực kết hợp các công ước có liên quan đến đa dạng sinh học, Hội nghị các Bên đã thông qua Kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học 2011-2020, được biết đến với tên gọi 20 mục tiêu đa dạng sinh học Aichi được xếp vào 5 nhóm mục tiêu lớn. Bộ phận pháp lý của Chương trình Môi trường và Phát triển Liên Hợp Quốc đã gợi ý các biện pháp pháp lý nhằm tuân thủ Các mục tiêu đa dạng sinh học Aichi bảo đảm sự thống nhất giữa các lĩnh vực.

Chi tiết nội dung Công ước tải tại đây.

 

Tìm hiểu thêm:

Cổng thông tin của Công ước: www.cbd.int

Ấn phẩm chính:

- UNEP, 2016, Elaboration of Options for Enhancing Synergies among Biodiversity-related Conventions (Xây dựng các giải pháp để tăng cường sự phối kết hợp giữa các Công ước liên quan tới Đa dạng sinh học)

https://wedocs.unep.org/rest/bitstreams/35154/retrieve